logo 2 DSC00224 2
  • demi_tron
  • gach_demi
  • gachdinh
  • ong_4_lo_tron
  • 4_lo_vuong1

Tin tức > Tin Xây Dựng

Xây nhà bằng… “gạch phế thải” [07/12/2019]

Để giải quyết ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công, việc sản xuất gạch không nung đã được nghiên cứu từ nhiều năm qua. Sản phẩm “đất hóa đá” của Công ty cổ phần thương mại Huệ Quang vừa được trao Giải thưởng Sáng tạo công nghệ Việt Nam (VIFOTEC 2010) chính bởi những sáng tạo phục vụ môi trường.

* Gạch không nung trường tồn với thời gian

Ông Mai Quang Thi, chủ nhiệm công trình khoa học này kể một câu chuyện khá lý thú về gạch không nung. Thật ra, từ cách đây 5000 năm, gạch không nung đã xuất hiện. Để xây dựng Kim tự tháp Ai Cập, những người thợ đá đã biết sử dụng đất sét trộn với đá nhỏ rồi trộn thêm dung dịch có các chất kết dính phối trộn, đổ khuôn và đầm chặt… Những viên gạch đó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng ngàn năm qua.

Ông Mai Quang Thi và các đồng sự bắt đầu nghiên cứu một dây chuyền sản xuất gạch không nung từ năm 2006. Chuyện thử độ cứng của gạch, ông Thi bảo, diễn ra hàng ngày. Nào là đập đá vào gạch, ngâm gạch trong nước hàng năm trời, mỗi lần lại rút ra kinh nghiệm. Vậy gạch không nung làm bằng gì? Khi đập thử những viên gạch không nung vỡ đôi ra, bên trong nó chỉ toàn sỏi, đất, thậm chí cả xỉ than…

Dây chuyền công nghệ gạch không nung hiện nay của Huệ Quang là sự đúc kết từ các công nghệ ngoại và những cải tiến phù hợp với điều kiện trong nước. Đất đá nguyên liệu được phơi khô, nghiền mịn, lọc rồi trộn ủ với chất phụ gia, sau đó, được đưa vào máy ép thủy lực. Gạch ép xong được hong khô trong 7-10 ngày trong bóng mát, tránh nước và ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Công nghệ này cũng sử dụng các loại nguyên liệu là các mạt đá vôi, cát, sỏi, rác thải rắn xây dựng, đất đào móng ao, hồ, gạch vỡ, vôi vữa, than tổ ong nấu bếp, rác thải rắn công nghiệp không độc, tro bay, xỉ than.. kết hợp với phụ gia rắn và lỏng, qua lực ép để sản xuất gạch. Phụ gia được sản xuất trong nước có nguồn gốc từ vật liệu xây dựng và các loại cây cỏ như rỉ đường từ cây mía và một số loại cây cỏ khác có tinh dầu kết dính cho nên phụ gia sử dụng trong công nghệ này không có tính độc hại.

* Tận dụng phế thải để làm gạch

Theo ông Mai Quang Thi, người dân cũng có thể làm gạch không nung nếu được chuyển giao công nghệ, bởi nguồn nguyên liệu không hề khó kiếm. Hầu hết các loại đất đá như đất sét, đất ruộng, đất đào móng ao, tường bê tông, gạch, ngói vỡ, xỉ lò than, sành sứ, bãi thải mỏ khoáng sản, đá vụn, cát đen, cát trắng, cát mặn… đều có thể làm gạch.

Phương pháp này giúp những người sản xuất tận dụng được nguồn đất ít có giá trị kinh tế như đất đồi cằn cỗi tại các vùng trung du, đất sét pha ven sông, đất thải từ các công trình đào móng nhà, hầm lò, ao hồ, các loại đất, đá tại các công trường khai thác quặng...

Với công nghệ “đất hoá đá”, các chủ đầu tư có thể tận dụng các nguồn phế thải rắn tại chỗ như bê tông, gạch vỡ, cát, đá sỏi, xỉ lò, các bã quặng bô xít để sản xuất gạch, vừa giảm thiểu chi phí vận chuyển, vừa tránh ô nhiễm môi trường vì gạch không qua khâu nung đốt nên không thải khí CO2 ra môi trường, lại xử lý được các chất phế thải công nghiệp.

Theo các nhà khoa học, ưu điểm của viên gạch không nung là giá thành chỉ bằng 2/3 viên gạch nung nhưng có độ cứng gần gấp 2 lần viên gạch nung, các chỉ tiêu về kỹ thuật và an toàn vật liệu đều đạt và vượt yêu cầu kỹ thuật. Viên gạch không nung được ép với máy thủy lực trên 150 tấn nên bề mặt viên gạch nhẵn và đồng đều tuyệt đối, từ đó công xây dựng giảm, có thể không cần vữa trát tường, xây đến đâu hoàn thiện đến đó nên giảm một khoản chi phí đáng kể đối với một căn nhà. Hơn nữa, giá thành của gạch không nung cũng rẻ hơn 10-20% so với gạch thông thường. Đây là bài toán kinh tế rất có lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng gạch không nung bằng công nghệ “đất hóa đá”.

Nhận giải thưởng VIFOTEC, ông Thi kể lại một kỷ niệm vui như lời động viên để ông tiếp tục con đường phát triển kinh tế xanh. Một lần, ông mang gần 2 vạn gạch về quê để công đức cho việc tu tạo, xây chùa ở địa phương. Nhìn thấy gạch mộc chưa nung, nhiều lời xì xào bàn tán. Một thời gian sau, ông về quê, những người xây chùa lại bảo: "Gạch của bác cứng như đá, nung lại lại có màu sắc hồng hồng”. Ông không ngạc nhiên mà chỉ tâm sự với bà con rằng, đó là công nghệ khoa học mới, khi "gạch đã hóa đá" thì nó rất rắn chắc, mát mẻ ... có thể thay gạch chịu lửa…

Theo TNMT